Bị tiểu đường phải kiêng đường có đúng không? Lời giải từ góc độ y học

người tiểu đường có nên kiêng đường?

Khi Aroma bắt đầu giới thiệu một món thực phẩm, một trong những câu hỏi đầu tiên nhận được là “Món đó người tiểu đường có ăn được không?” Thế cũng đủ hình dung bệnh tiểu đường phổ biến thế nào.

Dạo qua một vài trang mạng biết được, tại Việt Nam số người mắc tiểu đường đã tăng gấp đôi chỉ trong một thập kỷ. Theo thống kê năm 2017, cả nước có 3,54 triệu bệnh nhân đái tháo đường (chiếm 5,5% dân số). Số bệnh nhân tiền tiểu đường là 4,79 triệu (chiếm 7,4% dân số). Đáng buồn hơn là 70% người bị tiểu đường không biết mình mắc bệnh. Thiếu hiểu biết về căn bệnh này đang khiến cho việc tầm soát trị bệnh gặp khó khăn và tăng chi phí cho gia đình và xã hội.

Do mối liên tưởng giữa “đường” và “tiểu đường”, có nhiều người cho rằng người bị tiểu đường phải kiêng đường và các đồ ngọt. Thậm chí có người cho rằng đường và đồ ngọt là nguyên nhân gây tiểu đường. Thực tế có đúng thế không?

Để có câu trả lời hợp lý cho câu hỏi “Người bị tiểu đường phải kiêng đường có đúng không?”, đầu tiên hãy cùng tìm hiểu về đường và tiểu đường.

Vai trò của đường

Đường là thành phần dinh dưỡng quan trọng cung cấp năng lượng cho cơ thể. Con người chủ yếu nạp đường thông qua thức ăn chứa carbohydrate như ngũ cốc, tinh bột. Carbohydrate qua hệ tiêu hóa được phân giải thành đường đơn glucose. Đường đơn glucose đi vào hệ tuần hoàn, từ đó hấp thụ vào tế bào, duy trì hoạt động của cơ thể.

Thiếu đường nuôi tế bào, con người sẽ sinh ra mệt mỏi, thiếu sức lực, dễ hoa mắt chóng mặt. Đường huyết ổn định ở mức bình thường là rất cần thiết để sống khỏe mạnh, giàu năng lượng.

Cơ chế hình thành bệnh tiểu đường

Tuy nhiên, để glucose đi vào tế bào cần có insulin. Insulin được sinh ra từ tuyến tụy, sẽ kết hợp với thụ thể insulin trên tế bào và kích hoạt các enzyme dẫn đường cho glucose đi vào tế bào. Hiểu một cách nôm na thì thụ thể là ổ khoá còn insulin chính là chìa khóa mở cửa tế bào.

Nếu thiếu insulin hoặc insulin hoạt động không hiệu quả, glucose sẽ bị kẹt ở trong mạch máu. Kết quả là đường huyết tăng quá ngưỡng. Lượng đường trong máu quá cao có thể tràn vào thận và đi vào nước tiểu. Đó là lý do vì sao nước tiểu trở nên ngọt như đường và người ta gọi nó là diabetes – tiểu đường.

Tại sao bệnh tiểu đường nguy hiểm?

Lượng glucose trong máu quá cao theo thời gian có thể phá hủy mạch máu trên khắp cơ thể. Do đó nó có thể dẫn đến mù lòa, suy thận, tim mạch và đột quỵ.

Bên cạnh đó, đường huyết cao làm tổn thương hệ thần kinh, gây rối loạn thần kinh dẫn đến tê bì, ngứa râm ran và đau đớn. Mạch máu và dây thần kinh bị hỏng gây ra tình trạng tuần hoàn máu kém, mất cảm giác ở chân, bàn chân, khiến vết thương lâu lành. Hậu quả sau cùng là phải cắt đoạn chi dưới.

Để tránh những hệ lụy do bệnh tiểu đường gây ra, cần có cách phòng và chữa bệnh hiệu quả. Muốn phòng chữa bệnh hiệu quả, cần hiểu sâu sắc về các loại tiểu đường.

Phân loại bệnh tiểu đường

Phổ biến nhất hiện nay là cách chia tiểu đường thành 2 loại: Tiểu đường loại 1, tiểu đường loại 2. Một số tài liệu liệt kê thêm tiểu đường thai kỳ, và tiểu đường do các cơ chế khác. Có nguồn chia tiểu đường thành 5 loại. Trong khuôn khổ bài này chủ yếu phân tích tiểu đường loại 1 và tiểu đường loại 2.

Tình hình đái tháo đường ở Việt Nam. Bệnh tiểu đường có mấy loại?

Tiểu đường loại 1

Tiểu đường loại 1 chiếm khoảng 5% số ca tiểu đường được chuẩn đoán. Trước đây người ta gọi là tiểu đường khởi phát ở tuổi vị thành niên, hay tiểu đường bẩm sinh.

Nguyên nhân trực tiếp gây ra tiểu đường loại 1 là không có đủ insulin để dẫn glucose vào tế bào. Đa số bệnh nhân tiểu đường loại 1, thiếu insulin là do hệ miễn dịch nhầm tưởng các tế bào beta sản xuất ra insulin là kẻ thù và tiêu diệt chúng (một dạng bệnh tự miễn).

Đối với nhóm mắc tiểu đường loại 1, cách điều trị là tiêm insulin để bù lại sự thiếu hụt của insulin trong cơ thể.

Tiểu đường loại 2

Tiểu đường loại 2 chiếm đa số các ca mắc tiểu đường hiện nay. Mặc dù ban đầu người ta đặt tên là “tiểu đường khởi phát ở tuổi trưởng thành”, ngày nay nhóm này đã trẻ hóa rất nhiều.

Đối với tiểu đường loại 2, cơ thể không thiếu insulin, nhưng thụ thể không thể phát tín hiệu để insulin đưa glucose vào tế bào. Thuật ngữ để gọi hiện tượng này là “hiện tượng kháng insulin”.

Nếu trong trường hợp tiểu đường loại 1, không có đủ khóa để mở cửa tế bào thì đối với tiểu đường loại 2, chìa khóa không thiếu nhưng ổ khóa bị kẹt không mở được.

Cái gì đã làm kẹt ổ khóa? Câu trả lời chính là chất béo. Nói một cách cụ thể, nó chính là chất béo trong tế bào cơ (intramyocellular lipid).

Thừa chất béo đích thị là thủ phạm gây tiểu đường loại 2

Chất béo có vai trò như kho dự trữ năng lượng cho cơ thể. Tuy nhiên quá nhiều chất béo lại gây ra rắc rối lớn.

Chất béo trong cơ thể có thể nằm trong máu, trong kho dự trữ chất béo hoặc từ thức ăn có thể tích tụ trong tế bào cơ. Ở đây, chất béo có thể sản sinh ra chất độc và gốc tự do làm tắc nghẽn quá trình phát tín hiệu cho insulin.

Cơ chế chất béo trong cơ thể can thiệp vào chức năng của insulin đã được chứng minh. Khi truyền chất béo vào máu, hiện tượng kháng insulin tăng vọt. Ngược lại, khi chất béo được loại bỏ ra khỏi máu, hiện tượng kháng insulin giảm xuống. Việc ăn thực phẩm giàu chất béo có hiệu ứng tương tự.

Vậy nên, bệnh tiểu thường đi kèm với thừa cân, béo phì, mỡ máu.

Và cũng vì lý do trên, nếu ai điều trị tiểu đường loại 2 bằng cách tiêm insulin thì có vẻ sai sai. Có khi, chỉ cần giảm nạp chất béo là đủ (?)

Bệnh tiểu đường loại 2 do nguyên nhân nào?
Hiện tượng kháng insulin: Cơ thể không thiếu insulin nhưng do chất béo làm tắc nghẽn, thụ thể không truyền tín hiệu được để insulin dẫn glucose vào tế bào.

Bị tiểu đường có phải kiêng ăn đường?

Khi đã đến đây và quay trở lại với câu hỏi đầu bài “Người bị tiểu đường phải kiêng đường có đúng không?”, bạn đọc có câu trả lời là gì?

Người viết đã đặt câu hỏi cho cậu em đang học năm thứ 5 Y khoa, hắn nói “Không.” (Nói với chị nó mà cộc lốc thế đấy. 🙁 ) “Thậm chí người bị tiểu đường còn có nguy cơ tụt đường huyết.”

Để gỡ nỗi oan khó nói của đường, xin đưa thêm một dẫn chứng sau. Một nghiên cứu được thực hiện năm 1927. Trong nghiên cứu này, sinh viên y khoa trẻ tuổi khỏe mạnh được chia thành nhiều nhóm có chế độ ăn khác nhau. Một nhóm được cho ăn chế độ giàu chất béo, một nhóm ăn nhiều tinh bột, quả ngọt và đường. Kết quả cho thấy hiện tượng kháng insulin tăng vọt ở nhóm ăn chế độ giàu chất béo, cao hơn nhiều so với nhóm ăn nhiều đường và tinh bột. Ăn nhiều chất béo thực sự đã làm giảm khả năng kiểm soát đường, ngay cả với người khỏe mạnh.

Nói vậy, không nhẽ cứ ăn đường tùy tiện?

Cơ thể cần đường như chúng ta đã biết ở phần trên. Nhưng thứ chúng ta cần là thứ có thể phân giải thành glucose. Chúng ta không cần thứ thương phẩm có tên là đường hay những chất tạo ngọt nhân tạo. Nói cách khác chúng ta không cần ăn ngọt để sống.

Ngày nay, mọi người tìm đến đường chủ yếu vì thích ăn ngọt. Nói rằng “Ăn cho sướng cái mồm” chẳng ngoa. Nếu có một lý do khuyên mọi người hạn chế hoặc ngưng ăn đường, thì đó là để bớt gánh nặng điều tiết cho cơ thể với đường huyết vốn đã đang ngoài tầm kiểm soát. Ngoài ra, các loại đường tinh luyện thường đã loại bỏ hết dưỡng chất, còn thêm hóa chất độc hại, ăn vào không lợi lộc gì. Các loại đường dán nhãn “đường ăn kiêng”, “đường cho người tiểu đường” nhìn chung cũng chỉ phục vụ cho sự thèm ngọt của dân tình, còn về giá trị dinh dưỡng thì không có. Thậm chí một số loại còn gây ra tác dụng phụ, do đó đều không thể tiêu thụ nhiều quá mức khuyến cáo.

Lấy đường ở đâu? Tại sao bệnh nhân tiểu đường cần kiêng thịt?

Hãy nạp đường từ các bữa ăn hàng ngày, đặc biệt chọn các loại ngũ cốc có GI thấp như gạo lứt, bột mỳ nguyên cám chẳng hạn. (Chỉ số đường huyết GI là gì?). Nếu hảo ngọt, cần chọn các loại đường thô, đường phên không qua tẩy trắng, không tinh luyện. Các loại quả ngọt cung cấp đường tự nhiên là sự lựa chọn rất ổn.

Những ai chưa bị tiểu đường muốn tránh bị bệnh, và những người đã bị tiểu đường muốn đẩy lùi bệnh, tốt nhất hãy giảm hoặc ngừng ăn thịt động vật. Tại sao? Nếu phân tích thành phần dinh dưỡng, ngay cả các loại thịt nạc nhất của nạc, nạc ơi là nạc cũng chiếm thành phần chất béo bão hoà rất cao.

Bài viết có sử dụng các thông tin từ các nguồn sau:

  1. https://kienthuctieuduong.vn/kttd_faq/thuc-trang-benh-tieu-duong-hien-nay-dang-duoc-canh-bao-nhu-the-nao/
  2. http://giadinh.net.vn/y-te/70-nguoi-mac-tieu-duong-o-viet-nam-khong-biet-minh-bi-benh-20190626195844188.htm
  3. https://kienthuctieuduong.vn/phan-loai-benh-tieu-duong/
  4. https://genk.vn/benh-tieu-duong-co-toi-5-loai-khac-nhau-khong-chi-type-1-va-type-2-20180306002623293.chn
  5. http://daithaoduong.kcb.vn/tinh-hinh-dai-thao-duong/
  6. Tự đánh giá nguy cơ mắc bệnh tiểu đường qua trang web https://www.idf.org/type-2-diabetes-risk-assessment/

Đặc biệt, phần lớn nội dung bài viết trên được trích từ “Chương 6. Để không chết vì bệnh tiểu đường” trong cuốn “Ăn gì không chết” – Tác giả  “BS. Michael Greger” do NXB Trẻ ấn hành. Cuốn sách 772 trang đưa ra những chứng cớ khoa học tỉ mỉ 15 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Mỹ, cùng gợi ý dinh dưỡng nhằm phòng ngừa bệnh tật và nâng cao sức khỏe. Mọi gia đình nên tìm đọc.  

Còn lại những phần nội dung không tìm thấy từ các nguồn kể trên là suy luận chủ quan của người viết.

BẠN CÓ BIẾT?

Lối sống thuần chay đang là giải pháp được nhiều chuyên gia y tế đưa ra giúp đẩy lùi bệnh tiểu đường. Chỉ cần thay thế chất béo động vật bằng chất béo từ thực vật, dừng nạp cholesterol bên ngoài, tăng cường chất xơ, đậu đỗ, kết hợp với vận động và thái độ sống tích cực, bệnh sẽ có khả năng không cần chữa mà khỏi.

Nếu cảm thấy khó khăn với việc thay đổi thói quen ăn uống, hãy thử bổ sung thực đơn mỗi ngày bằng các loại thực phẩm thuần chay, bột rau sấy lạnh cung cấp chất xơ, vitamin.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

four × three =