Dưới đây là những kiến giải của một người ăn thuần chay hơn 2 năm. Hi vọng có thể giúp các bạn mới tiếp cận hiểu khách quan hơn về thuần chay – chủ đề mới nổi trên Aroma vài tuần gần đây.
Thuần chay là gì? Đơn thuần là không ăn động vật?
Khái niệm “vegan” – “thuần chay” về tổng thể xét như một lối sống. Trong đó, bạn không sử dụng, tiêu thụ bất cứ sản phẩm gì có nguồn gốc từ động vật, trực tiếp hay gián tiếp. Không chỉ giới hạn trong chuyện ăn uống, khái niệm này còn bao hàm thời trang, làm đẹp, giải trí, nghiên cứu khoa học, kinh doanh, v.v.
Là vegan, bạn không ăn các loại thịt, hải sản, gia cầm, trứng, sữa động vật, mật ong. Bạn không chọn mua các thực phẩm ghi thành phần có gốc độc vật, ví dụ gelatin, whey, …
Là vegan, bạn sẽ không mặc đồ len, lụa, da, lông, sừng, không đeo ngọc trai, v.v.
Là vegan, bạn sẽ không dùng mỹ phẩm chứa mật ong, sữa dê, dầu cá, v.v.
Là vegan, bạn sẽ không thăm vườn thú, không xem xiếc thú, không cưỡi ngựa, cưỡi voi, v.v.
Là vegan, bạn sẽ không tiêu thụ một sản phẩm nếu biết nó đã thử nghiệm trên chuột, trên thỏ, v.v.
Là vegan, bạn tình cờ bắt gặp một chú cún tội nghiệp và mang về nuôi thì ok. Nhưng bạn sẽ không chọn mua thú cưng tại các chợ động vật hay cửa hàng thú nuôi.
Là vegan, bạn phải đọc nhãn mọi sản phẩm kỹ hơn khi mua sắm và giải thích nhiều hơn với phục vụ khi đi ăn.
Nếu bạn hỏi tại sao, hãy dành chút thời gian xem một số phim sau đây:
- Vegucated (phim có vietsub https://www.youtube.com/watch?v=Zq3LotW6s5c)
- Cowspirancy (phim có vietsub https://www.youtube.com/watch?v=VV20RgOWETk)
- Earthlings (phim có vietsub https://www.youtube.com/watch?v=p9ftVES1gUE )
Hiểu về các chế độ ăn uống – Thuần chay có phải nghiêm ngặt nhất?
Nói riêng về chuyện ăn uống, trên quả đất này loài người có những chế độ ăn nào?
Ăn tạp – Omnivorous
Ăn tạp là chế độ hầu hết loài người đã và đang thực hiện từ khi xuất hiện đến nay. Chúng ta ăn mọi thứ biết bay, trừ cái máy may; và ăn mọi thứ có chân, trừ cái bàn. Không thể phủ nhận nhờ khả năng ăn tạp mà loài người có thể xoay xở để tồn tại trong tự nhiên. Nhưng chính thói quen ăn tạp bừa bãi này đang đẩy đến những hệ lụy về đạo đức, sức khỏe và môi trường. Những người nhận thức được điều đó đã tiến tới các chế độ ăn khác.
Ăn chay linh hoạt/Ăn bán chay – Semi-vegetarian or flexitarian
Chế độ này vẫn ăn thịt nhưng có chọn lọc loại thịt.
- Pollo-pescetarian: Không ăn thịt động vật có vú, có ăn gia cầm, cá và hải sản.
- Pollotarian: Không ăn thịt động vật có vú, có ăn thịt gia cầm.
- Pescetarian: Không ăn thịt động vật có vú và gia cầm, có ăn cá hoặc hải sản.
Ăn chay hay chay trường – Vegetarian
Chế độ này từ bỏ các loại thịt, nhưng vẫn ăn một số sản phẩm khác từ động vật. Vegetarian có các loại sau:
- Ăn chay có trứng sữa – Lacto-ovo vegetarian: Không tiêu thụ thịt, hải sản, cá, gia cầm, mỡ, chất làm đông (gelatin) nhưng có thể ăn được trứng, sữa động vật và các sản phẩm từ trứng, sữa động vật.
- Ăn chay có sữa – Lacto vegetarian: Không tiêu thụ thịt, hải sản, trứng, nhưng có ăn sữa động vật và các sản phẩm từ sữa động vật.
- Ăn chay có trứng – Ovo vegetarian: Không tiêu thụ thịt, hải sản, sữa hay các sản phẩm làm từ sữa động vật, nhưng có ăn trứng.
Ăn thuần chay – Vegan
Là không cho vào bụng các loại có nguồn gốc động vật, như đã đề cập trên.
Khi đào sâu tìm hiểu vegan, chúng ta còn có thể bắt gặp các khái niệm sau:
- Ăn thuần chay không gluten – Gluten-free: không ăn các loại tinh bột và chế phẩm chứa tinh bột
- Ăn toàn phần dựa trên thực vật – Whole Foods Plant Based: nhấn mạnh vào việc sử dụng toàn bộ các bộ phận của thực vật và hạn chế tối thiểu thực phẩm chế biến. Đây là chế độ ăn được cho là rất lành mạnh, được các bác sĩ thuần chay khuyên chọn.
- Ăn thuần chay ít béo: hạn chế hoặc không ăn các loại dầu, hạt có hàm lượng chất béo cao. Đây cũng là chế độ ăn lành mạnh, đặc biệt khuyến cáo cho bệnh nhân béo phì, thừa cân, bệnh mãn tính.
- Ăn chay sống – Raw foodism: Chỉ ăn các loại trái cây tươi, rau củ và các loại hạt, hạt giống và thực vật khác không qua nấu chin, không gia nhiệt. Đỡ phải nồi niêu bếp núc.
- Ăn thuần chay không ngũ vị tân: Không ăn hành, tỏi, hẹ, kiệu, dấp cá, những thực phẩm có mùi hôi.
Ăn chay thực dưỡng
Có nhiều chế độ ăn thực dưỡng. Ở Việt Nam quen thuộc nhất là phương pháp thực dưỡng 7 cấp của Ohsawa. Trong đó cấp cao nhất là chế độ ăn gạo lứt, muối mè.
Ăn chay theo truyền thống và tôn giáo các quốc gia
Ví dụ như một số nước không ăn thịt bò hay một số nước không ăn thịt lợn. Đạo Hồi có tháng ăn chay, khi đó người ta không ăn khi trời sáng.
Với thống kê chưa đầy đủ như trên, có thể thấy vegan là chế độ tương đối nghiêm ngặt. Nhưng nên hiểu thuần chay chưa phải chế độ ăn nghiêm ngặt nhất. Tùy điều kiện và nguyện vọng, người ta còn có thể chọn phương pháp giao thoa giữa các chế độ khác nhau và cắt bỏ nhiều lựa chọn trong thực đơn của mình.
Hiểu về dinh dưỡng thuần chay – Vegan thiếu đạm?
Khi từ bỏ hoàn toàn thực phẩm động vật, người ăn thuần chay có nguy cơ thiếu một số chất. Nhiều người chưa hiểu về dinh dưỡng, cho rằng thuần chay thì sẽ thiếu đạm, sắt, canxi, hay năng lượng. Thực ra những chất mà người thuần chay dễ thiếu nhất lại là B12, vitamin D và omega-3.
Vitamin B12
Vitamin B12 hay cobalamin, thành phần quan trọng tạo hồng cầu máu, đưa oxy đi nuôi tế bào cơ thể. Thiếu Vitamin B12 dẫn đến thiếu máu, cơ thể yếu ớt. B12 thường được thấy trong thực phẩm động vật và một số loại vi khuẩn.
Có nguồn tin cho rằng, con người có thể tự sản sinh ra B12. Trớ trêu thay cấu tạo cơ thể khiến ta không thể tiếp cận nguồn B12 tự thân này mà phải lấy từ thực phẩm. May mắn ngày nay mọi người có thể có được nó từ các sản phẩm bổ sung. Vitamin B12 nếu nạp thừa sẽ được lưu trong gan để tiêu thụ dần.
Với việc chăn nuôi nuôi nhốt hiện nay, người ăn thịt cũng có nguy cơ thiếu Vitamin B12. Nguyên nhân? Động vật nuôi cũng như người, cần vitamin B12 từ thức ăn. Thức ăn công nghiệp không thể đáp ứng nhu cầu Vitamin B12 như thức ăn có khi chăn thả tự nhiên. Để khắc phục điều này, người ta tiêm B12 cho vật nuôi. Vậy đấy, chúng ta phải dùng “sái” B12 của heo, của bò. Trong khi, có cách khác để hưởng trọn vẹn và nhanh gọn loại vitamin đó.
Vitamin D
Vitamin D rất cần thiết để hấp thụ canxi giúp xương răng chắc khỏe. Về lý thuyết, chúng ta có thể tự tổng hợp vitamin D qua da từ ánh nắng mặt trời. Có điều phơi nắng đồng nghĩa với tiếp xúc với tia tử ngoại và các yếu tố bất lợi khác. Không những thế, không phải ở đâu trên trái đất cũng có thể tiếp cận với ánh nắng mặt trời thường xuyên. Vậy nên vẫn cần lấy Vitamin D từ thức ăn.
Không có nhiều nguồn Vitamin D dồi dào từ thực vật. Nấm được cho là một nguồn Vitamin D cho người ăn chay, mặc dù nấm lại không phải thực vật. Người ăn chay có thể chọn các sản phẩm sữa hạt và ngũ cốc có bổ sung Vitamin D nhưng lại là những sản phẩm chế biến. Có một lựa chọn nữa, chính là dùng viên uống bổ sung vitamin.
Omega-3
Omega-3 là một loại axit béo có vai trò chống viêm, hỗ trợ tim mạch, sáng mắt, bổ não, mượt tóc, đẹp da, tăng cường miễn dịch, … Chúng ta hay quen thuộc với viên dầu cá là nguồn omega-3 rất dồi dào.
Thường người ta ít để ý đến chất này khi nói đến chế độ vegan. Thiếu omega-3, người thuần chay cũng có nguy cơ thiếu cân bằng dinh dưỡng và dễ bỏ cuộc. Trên thực tế, có rất nhiều nguồn thực vật có omega-3, như các loại rong biển, dầu thực vật, các loại hạt béo như hạt hướng dương, hạt bí, v.v.
Protein
Protein là thành phần cơ bản cấu tạo tế bào. Phải chăng chỉ có động vật mới có thể cung cấp protein? Chúng ta dường như quên rằng chỉ có thực vật mới có khả năng tự tổng hợp protein từ mặt trời thông qua quá trình quang hợp. Loài người tiêu thụ đạm từ động vật, lại là tiêu thụ gián tiếp đạm từ thực vật.
Không phải tất cả protein đều như nhau, và không thể dùng nguyên xi protein đã ăn vào. Chất đạm ăn vào đều phải qua quá trình phân giải thành axit amin, sau đó mới tổng hợp thành thứ protein mà cơ thể cần. Và con người cần nhất có 9 loại axit amin thiết yếu thôi.
Nguồn đạm thực vật nhất có từ họ nhà đậu. Không chỉ có đậu tương hay đậu phụ (nghe thôi đã thấy chán), còn có đậu lăng, đậu thận, đậu gà, đậu đen, đậu Hà Lan, nhiều lắm. Đậu được cho là chứa đầy đủ 9 loại axit amin thiết yếu mà con người cần. Tuy nhiên nếu không ăn đậu, người ta vẫn có thể lấy các axit amin thiết yếu bằng cách ăn đa dạng các thực phẩm khác nhau.
Cholesterol và chất xơ
Cholesterol chỉ có ở động vật. Thực ra là một chất cần thiết trong cơ thể con người. Cơ thể sử dụng nó để xây dựng cấu trúc của màng tế bào. tạo ra các hormone, giúp quá trình trao đổi chất hoạt động hiệu quả. Cơ thể ta hoàn toàn tự sản xuất ra đủ cholesterol cần thiết mà không phải lấy từ ngoài. Lấy từ ngoài vào chỉ thành thừa thôi.
Chất xơ chỉ có ở thực vật. Ruột người có đặc tính dài và tiêu hóa chậm. Cơ thể cần chất xơ để kích thích nhu động ruột, giúp tiêu hóa và bài tiết dễ dàng hơn. Chế độ ăn nghèo chất xơ sẽ dẫn đến độc tố tích tụ trong gan, ruột, đại tràng, gây ra táo bón, mụn nhọt. Về lâu dài phát sinh nhiều bệnh nguy hiểm khác nữa. Dường như trong khi mọi người quá ám ảnh về đạm và calo, không nhận thức rằng chất xơ quan trọng với loài người thế nào.
Như vậy con người muốn sống khỏe mạnh có thể không cần thực phẩm động vật nhưng không thể thiếu các thực phẩm thực vật, nhỉ?
Các thắc mắc về vegan
Thuần chay là tốt cho môi trường?
Phe ủng hộ thuần chay có thể dễ dàng đưa ra các con số thống kê về ô nhiễm không khí, hao phí nguồn nước, tình trạng phá rừng, v.v. do hậu quả của công nghiệp chăn nuôi. Nếu tất cả mọi người không còn ăn động vật, chắc chắn những tình trạng do công nghiệp chăn nuôi gây ra sẽ được cải thiện.
Tuy nhiên, vegan không hạn chế dùng thực phẩm nhập khẩu. Khi phải cắt tiêu thụ động vật, đồng thời điều kiện địa phương không thể cung cấp những superfood mà các chuyên gia gợi ý, ắt phải vận chuyển từ xa bằng hàng không, đường biển. Kết quả là tốn nhiều nguyên liệu hóa thạch, còn chưa kể phải sử dụng công nghệ đóng gói và bảo quản.
Thuần chay là tự nhiên?
Khái niệm vegan không cấm sản phẩm chế biến, chất nhân tạo. Khi các sản phẩm thuần thực vật không thể có công dụng giống sản phẩm từ động vật, người ta tìm cách đáp ứng qua các công thức nhân tạo. Các chế phẩm có thể từ cái gì? Dù có ghi rõ thành phần đó là vegan, nhưng ai mà hiểu được hình thù nó sao.
Thuần chay là yêu thương động vật?
Để phục vụ các thực khách thèm mặn, người ta chế biến những món gọi là thuần chay nhưng có dạng và mùi vị giống hệt động vật. Ngành sản xuất omnipork (thịt lợn kiểu mới) đang hứa hẹn là ngành kinh doanh tỉ đô trong thời gian tới. Thị trường tiềm năng nhất của ngành này không đâu khác, chính là USA và China.
Trẻ em không nên ăn thuần chay vì sẽ thiếu chất?
Hội các cha mẹ nuôi con thuần chay rất nhiều nhé. Người ta nói nguồn thực phẩm động vật duy nhất dành cho con chính là sữa mẹ.
Còn cả tỉ điều chưa hiểu về thuần chay
Trong khi cuộc tranh luận về vegan vẫn chưa ngã ngũ, tại sao không tự mình trải nghiệm mỹ phẩm thuần chay và thực phẩm thuần chay do Aroma cung cấp nhỉ? Hãy chia sẻ những cảm nhận của mình qua bình luận dưới đây hoặc trong nhóm Facebook Aroma Garden và khách hàng nhé.
Bạn hiểu thế nào về thuần chay? Theo bạn, thực hành lối sống thuần chay có thể mang lại điều gì cho bạn và người xung quanh?