Rau má và những công dụng quý của rau má

công dụng của rau má

Theo y học cổ truyền, rau má có vị đắng, hơi ngọt, tính bình, vào Can, Tỳ Vị có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc, lợi tiểu. Đông y thường dùng rau má làm thuốc bổ dưỡng, sát trùng, chữa thổ huyết, tả lỵ, khí hư, bạch đới, mụn nhọt, rôm sẩy.

Từ những năm 1940, y học hiện đại bắt đầu nghiên cứu những tác dụng quý của rau má: Rau má có những hoạt chất thuộc nhóm saponins (còn được gọi là tripernoids) bao gồm asiaticoside, madecassoside, madecassic acid và asiatic acid…

Công dụng của rau má với da

Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy dịch chiết rau má có khả năng kích hoạt quá trình phân chia tế bào và kích thích sự tổng hợp collagen của mô liên kết, thúc đẩy sự hình thành tế bào da, giúp nhanh liền vết thương và mau lên da non. Nhờ tác dụng lên tuần hoàn da, nên rau má cũng được ứng dụng làm kem bôi mặt để làm bớt những vết nhăn giúp mặt trẻ trung, giảm lão hóa.

Hiên nay, chất chiết trích từ rau má đã được sử dụng rất đa dạng dưới hình thức thuốc tiêm, thuốc bột, thuốc mở để điều trị tất cả các chứng bệnh về da như vết bỏng, vết thương do chấn thương, do giải phẩu, cấy ghép da, những vết lở loét lâu lành, vết loét do ung thư, bệnh phong, vẩy nến…

Hoạt chất asiaticoside trong rau má cũng đã được ứng dụng trong điều trị bệnh phong và bệnh lao, do asiaticoside có thể làm tan lớp màng sáp bọc những vi khuẩn này, giúp hệ miễn dịch của cơ thể tiêu diệt chúng.

Công dụng của rau má đối với hệ tim mạch

Hoạt chất Bracoside A kích thích sự bài tiết nitric oxide (NO) của mô để làm dãn nở vi động mạch cùng mao quản, nên lượng máu di chuyển qua mô được nhiều hơn nên có khả năng chấm dứt được các cơn đau tim, đồng thời các chất độc dễ được đào thải giúp tế bào sống được thoải mái trong một môi trường lành mạnh.

Đối với tuần hoàn huyết, những hoạt chất của rau má có tác dụng cải thiện vi tuần hoàn ở các tĩnh mạch, mao mạch, bảo vệ lớp áo trong của thành mạch và làm gia tăng tính đàn hồi của mạch máu. Do đó, rau má cũng hữu ích để điều trị và phòng bệnh tĩnh mạch ở các chi dưới như dãn tĩnh mạch, trĩ, phù tĩnh mạch chân.

Chất xơ trong rau má cũng giúp giảm cholesterol máu, nên cũng có tác dụng rất tốt với tim mạch.

Lợi ích của rau má với hệ thần kinh

Những hoạt chất trong rau má như Bracoside B có tác dụng lên hoạt động của hệ thần kinh trung ương, tăng cường các chất trung gian chuyển hóa (neurotransmitters) giúp cho tế bào thần kinh, não bộ hoạt động tích cực hơn, làm giảm căng thẳng tâm lý, tăng khả năng tập trung tư tưởng và giúp cải thiện trí nhớ của người già.

Những dẫn xuất của chất Asiaticoside có khả năng bảo vệ các tế bào thần kinh trong bệnh Alzeheimer.

Triterpenoids trong rau má cũng có thể làm giảm sự lo lắng và tăng cường chức năng tâm thần ở một số cá nhân.

Công dụng của rau má đối với bệnh ung thư

Cũng như các loại rau trái khác, rau má có chứa beta caroten, sterols, saponins, alkaloids, flavonols, terpenoids, các vitamin… là những chất chống oxy hóa thiên nhiên, giúp cơ thể chống lại stress oxy hóa, các rối loạn DNA, ngăn chăn quá trình ung thư hóa.

Nghiên cứu trên chuột cho thấy, dịch chiết rau má có khả năng chữa lành khối u dạ dày chuột, có khả năng kháng khối u.

Lưu ý:

Rau má cũng là một thực phẩm chức năng, thực phẩm thuốc, nên khi sử dụng cần có định mức, liều lượng. Rau má có tính hàn, rất dễ gây lạnh bụng, nên uống quá nhiều có thể gây tiêu chảy. Ngoài ra, sử dụng nước rau má tươi sống có thể gặp nguy cơ rối loạn tiêu hóa, ngộ độc vì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm như nhiễm khuẩn, nhiễm thuốc bảo vệ thực vật…

TS.BS Trần Bá Thoại
Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

12 − 2 =