Vai trò của đọc sách và tác hại của điện thoại với trẻ em

Vai trò của việc đọc sách

Lâu rồi không đọc sách mà chỉ ôm điện thoại, ta thấy người tù túng đi. Bất chợt bắt gặp bài hay về vai trò của việc đọc sách. Phải ghi lại ngay để tự cảnh báo mình.

Đọc sách không phải cho sang, mà là đầu tư cho chính mình bằng chi phí rẻ nhất.

Đọc sách thanh lọc tâm hồn theo thời gian

Có câu chuyện kinh điển về vai trò của việc đọc sách được lưu truyền như sau: 

Tại một trang trại ở miền Đông bang Kentucky, có một ông cụ sống với người cháu của mình. Mỗi buổi sáng, ông cụ đều dậy sớm để đọc sách. Có những cuốn sách ông đã đọc nhiều lần, đến mức gáy sách sờn cũ. Nhưng lúc nào ông cũng đọc say mê và chưa bao giờ ông quên đọc sách.

Cậu cháu trai cũng bắt chước ông, cũng cố gắng ngồi vào bàn đọc sách. Rồi một ngày, cậu hỏi ông: “Ông ơi, cháu cũng đọc sách như ông, nhưng cháu không hiểu gì cả. Có những đoạn cháu hiểu, nhưng khi gấp sách lại là cháu quên ngay. Thế thì vì sao ông vẫn đọc thường xuyên thế ạ?”.

Ông cụ lúc đó đang đổ than vào lò, quay lại nhìn cháu và nói: “Cháu hãy đem cái giỏ này ra sông và mang về cho ông một giỏ nước nhé!”.

Cậu bé làm theo lời ông, nhưng tất cả nước đã chảy hết ra khỏi giỏ trước khi cậu bé quay về đến nhà.

Nhìn thấy cái giỏ, ông cụ cười và nói: “Nước chảy hết mất rồi! Lần sau cháu sẽ phải đi nhanh hơn nữa!”. Rồi ông bảo cháu quay lại sông lấy một giỏ nước.

Lần này cậu bé cố chạy nhanh hơn, nhưng khi cậu về đến nhà thì cái giỏ đã trống rỗng. Dù cậu chạy nhanh đến đâu, nước cũng sẽ chảy hết ra khỏi giỏ trước khi cậu về đến nhà.

“Ông xem này”, cậu bé hụt hơi nói, “Thật là vô ích!”.

Ông cụ nói: “Cháu thử nhìn cái giỏ xem!”.

Cậu bé nhìn vào cái giỏ. Và lần đầu tiên, cậu bé nhận ra rằng cái giỏ trông khác hẳn ban đầu. Nó không còn là cái giỏ than đen bẩn nữa, mà đã được nước rửa sạch sẽ.

“Cháu của ông, đó là những gì diễn ra khi cháu đọc sách. Có thể cháu không hiểu hoặc không nhớ được mọi thứ. Nhưng khi cháu đọc, sách sẽ thay đổi cháu từ bên trong tâm hồn, như nước đã làm sạch giỏ than kia vậy”.

Nếu bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn sẽ nuôi dưỡng cho mình một trái tim và tâm hồn trong sáng. Tác dụng của việc đọc sách phát huy theo thời gian, tích góp theo năm tháng nhất định sẽ có ngày tạo nên điều khác biệt mà có khi chính bạn cũng không thể ngờ tới. 

Vai trò của đọc sách với khả năng học tập của trẻ em

Vứt đi chiếc điện thoại, đọc sách nhiều hơn cho trẻ trong suốt những năm tháng đầu đời sẽ giúp thúc đẩy trí não phát triển. Tất cả chúng ta đều biết điều đó. Mới đây các nhà khoa học đã đưa ra những bằng chứng thuyết phục hơn về vai trò của việc đọc sách đối với trẻ em.

Sự khác nhau trong bộ não trẻ đọc sách và trẻ chơi điện thoại

Đây là hình ảnh bộ não của một đứa trẻ tuổi mầm non thường xuyên được đọc sách.

Vai trò của việc đọc sách - ảnh chụp não bộ trẻ

Phần màu đỏ ở bức ảnh này cho thấy sự gia tăng của chất trắng có tổ chức ở khu vực chịu trách nhiệm cho khả năng ngôn ngữ và đọc hiểu. Đây cũng chính là khu vực hỗ trợ trẻ việc học tập.

Còn dưới đây là bộ não của một đứa trẻ tuổi mầm non dành trung bình 2 tiếng mỗi ngày tiếp xúc với màn hình điện thoại, tivi.

Tác hại của các thiết bị điện tử đến não bộ trẻ.

Phần màu xanh trong hình cho thấy sự kém phát triển lan rộng và sự thiếu tổ chức của chất trắng cũng ở chính khu vực hỗ trợ việc học tập của trẻ.

Cả 2 hình ảnh này đều tới từ các nghiên cứu mới đây của Trung tâm Khám phá khả năng Đọc và Đọc hiểu của Bệnh viện Nhi Cincinnati (Ohio, Mỹ). Đây là những nghiên cứu đầu tiên cung cấp bằng chứng trong lĩnh vực sinh học thần kinh về những lợi ích của việc đọc sách và những bất lợi tiềm ẩn của việc tiếp xúc với điện thoại, tivi trong việc phát triển não bộ của trẻ.

Cần đọc sách trong giai đoạn phát triển quan trọng của trẻ

‘Đây là một giai đoạn quan trọng bởi vì 5 năm đầu đời là thời gian bộ não phát triển nhanh nhất’ – tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ John Hutton nhận định.

Nghiên cứu được thực hiện ở 47 đứa trẻ khoẻ mạnh từ 3-5 tuổi và chưa bắt đầu học mầm non.

Chất xám của bộ não chứa phần lớn tế bào não có nhiệm vụ điều khiển cơ thể phải làm gì. Còn chất trắng được tạo nên bởi các sợi có bao myelin, còn được gọi là bó thần kinh. Nó tạo nên sự kết nối giữa tế bào thần kinh và phần còn lớn của hệ thống thần kinh.

Sự gia tăng và có tổ chức của chất trắng là yếu tố quan trọng trong việc truyền thông tin giữa các phần khác nhau của não bộ, thúc đẩy các chức năng và khả năng học tập. Nếu không có một hệ thống truyền thông tin phát triển tốt, tốc độ xử lý của não sẽ chậm và gây khó khăn cho việc học tập.

‘Ở thời điểm vừa được sinh ra, trẻ có nhiều nơ-ron thần kinh hơn bất kỳ thời điểm nào trong suốt cuộc đời. Tùy thuộc vào loại tương tác nào của trẻ với người chăm sóc, sự kết nối giữa các nơ-ron này sẽ được tăng cường. Trải nghiệm sẽ làm tăng sự kết nối giữa các nơ-ron trong não. Nhưng ngược lại, nơ-ron nào không được sử dụng tốt sẽ bị bộ não thải loại và chết đi.’ – Tiến sĩ Hutton cho hay. 

Nguồn bài: cafebiz.vn và vietnamnet.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

one × three =