Phòng ngừa virus corona mới 2019-nCoV

Đây là thời điểm dịch bệnh diễn biến cực kỳ phức tạp, do đang trùng với kỳ nghỉ dài đón Tết cổ truyền của cả Trung Quốc và Việt Nam. Mọi người cần vô cùng cảnh giác!

Diễn biến dịch bệnh

Theo thông tin từ WTO, trường hợp mắc viêm phổi cấp do chủng virus corona đầu tiên được phát hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc ngày 12/12/2019. Đến ngày 24/01/2020, Trung Quốc đã ghi nhận 634 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV), trong đó có 18 trường hợp tử vong.

Một số quốc gia khác như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippin, … cũng đã có những trường hợp mắc bệnh xâm nhập.

Ngày 22/01/2020, Việt Nam ghi nhận 2 trường hợp dương tính với nCoV cách ly tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Tổ chức Y tế thế giới nhận định dịch bệnh nCoV đã có khả năng lây truyền hạn chế từ người sang người. (Nguồn: Bộ Y Tế)

2019-nCoV và virus corona

Loại virus gây bệnh viêm đường hô hấp kể trên vừa được WHO xác định tháng 1 năm nay, gọi là 2019-nCoV (2019 novel coronavirus) . Đây là một chủng mới thuộc nhóm virus corona.

Vi rút corona (tên viết tắt là CoV) là một loại vi-rút phổ biến gây nhiễm trùng ở mũi, xoang hoặc họng trên. Chủng virus này được phát hiện lần đầu thập kỷ 60 thế kỷ trước, nhưng không rõ chúng bắt nguồn từ đâu. Virus corona có thể truyền bệnh trên cả động vật và con người.

Hầu hết các loại virus corona truyền bệnh giống như các loại virus gây cảm lạnh khác: do người bệnh ho và hắt hơi, do chạm vào tay hoặc mặt người bệnh hoặc do chạm vào những thứ mà người bệnh đã chạm vào v.d. như tay nắm cửa. Hầu như tất cả mọi người đều bị nhiễm coronavirus ít nhất một lần trong đời. Ở Hoa Kỳ, coronavirus phổ biến hơn vào mùa thu và mùa đông, nhưng ai cũng có thể bị nhiễm virus corona bất cứ lúc nào.

Hiện có 7 loại virus corona được loài người biết đến. Hầu hết các coronavirus không nguy hiểm đối với con người. Tuy nhiên có một số biến thể corona cực kỳ nguy hiểm mà lịch sử đã ghi lại. Trong số đó có virus gây ra đại dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) làm 774 người chết năm 2003 hay MERS (hội chứng suy hô hấp Trung Đông) làm 858 người chết trong giai đoạn 2012-2015.

Những biểu hiện khi nhiễm chủng corona mới nCoV

Bệnh nhân bị nhiễm 2019-nCoV được xác nhận bị bệnh hô hấp từ nhẹ đến nặng với các triệu chứng:

  • Sốt
  • Ho
  • Khó thở

Theo đánh giá của Trung tâm Y tế dự phòng Mỹ, các triệu chứng của 2019-nCoV xuất hiện sau khoảng từ 2 đến 14 ngày sau khi nhiễm bệnh. Thời gian ủ bệnh và các triệu chứng cũng tương tự như đối với hội chứng MERS năm 2012.

Cơ chế truyền bệnh của virus corona mới

Nhiều bệnh nhân trong đợt bùng phát viêm phổi do virus 2019-nCoV ở Vũ Hán, Trung Quốc có liên quan đến một chợ hải sản và động vật sống, cho thấy sự lây lan từ động vật sang người. Tuy nhiên, ngày càng nhiều bệnh nhân không tiếp xúc với chợ động vật, chứng tỏ bệnh lây từ người sang người. Tốc độ lây bệnh từ người sang người đặc biệt tăng cao khi người Trung Quốc từ các thành phố có dịch di chuyển về quê hoặc ra nước ngoài du lịch trong kỳ nghỉ Tết cổ truyền.

Theo kinh nghiệm từ đại dịch SARS và MERS, cũng giống như bệnh cúm và các bệnh lây qua đường hô hấp khác, mầm bệnh chủ yếu từ các dịch hô hấp. Khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, các dịch này tiếp xúc với người lành khiến người lành nhiễm bệnh. Vấn đề cần biết virus này có thể lây bệnh từ người sang người dễ dàng hay khó khăn đến mức nào. Hiện tại cơ chế truyền bệnh, mức độ nghiêm trọng và các vấn đề khác liên quan đến 2019-nCoV còn đang được điều tra.

Phương hướng điều trị

Cho đến thời điểm này chưa có cách điều trị kháng virus. Với các ca đã phát hiện hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh chủ yếu được hỗ trợ để giảm triệu chứng. Các ca mắc nghiêm trọng, phương pháp điều trị còn bao gồm chăm sóc hỗ trợ chức năng của các cơ quan quan trọng.

Khuyến cáo phòng nhiễm bệnh do virus nCoV

Trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp và chưa có cách điều trị, cách phòng ngừa tốt nhất là tránh tiếp xúc với mầm bệnh.

Ngăn ngừa bệnh bằng thói quen hàng ngày

Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ CDC, người dân cần thực hiện các hành động phòng ngừa hàng ngày, bao gồm:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn.
  • Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng với tay bẩn.
  • Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh.
  • Ở nhà khi bản thân bị bệnh.
  • Che miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy, sau đó ném khăn giấy vào thùng rác.
  • Làm sạch và khử trùng các vật và bề mặt thường xuyên chạm vào.

Tổ chức Y tế thế giới còn khuyến cáo thêm:

“Nên tránh tiêu thụ các sản phẩm động vật sống hoặc chưa nấu chín. Thịt, sữa hoặc nội tạng động vật nên được xử lý cẩn thận, để tránh lây nhiễm chéo với thực phẩm chưa nấu chín.”

Ngăn ngừa bệnh khi đi du lịch

Nhiều trường hợp phát hiện nhiễm chủng virus 2019-nCoV khi đi du lịch tại các nước bùng phát dịch. Đặc biệt, những trường hợp thăm thân sẽ có nguy cơ cao hơn khách du lịch thông thường. Nguyên nhân do họ ở lâu hơn, ăn thức ăn cùng người bản địa trong khi không được đề phòng như khách du lịch thông thường.

Để phòng ngừa nhiễm virus, cần tránh du lịch đến các quốc gia có dịch nếu không cần thiết. Trong trường hợp buộc phải đến các quốc gia này, mọi người cần cập nhật thông tin hướng dẫn phòng bệnh tại các quốc gia đó.

Khách du lịch đến các địa phương có dịch cần lưu ý:

  • Tránh tiếp xúc với người ốm
  • Tránh tiếp xúc với động vật sống hay chết, chợ động vật và các sản phẩm từ động vật (ví dụ thịt sống)
  • Rửa tay thường xuyên với nước và xà phòng ít nhất 20 giây. Nếu không có xà phòng và nước, cần dùng dung dịch rửa tay chứa cồn.

Khách trở về từ nơi có dịch trong khoảng 14 ngày trở lại đây, nếu thấy ốm, ho sốt, khó thở, cần:

  • Khám y tế ngay lập tức. Trước khi đến phòng khám hoặc phòng cấp cứu, cần gọi điện trước và nói về chuyến đi và các triệu chứng.
  • Tránh tiếp xúc với người khác.
  • Không đi lại khi bị ốm.
  • Che mũi và miệng với khăn hoặc cánh tay (không dùng bàn tay) khi ho hoặc hắt hơi.
  • Rửa tay thường xuyên với nước và xà phòng ít nhất 20 giây. Nếu không có xà phòng và nước, cần dùng dung dịch rửa tay chứa cồn.

Tham khảo thêm chỉ dẫn phòng bệnh cho khách du lịch tới các nước trên website CDC Mỹ https://wwwnc.cdc.gov/travel/notices

TÓM LẠI

  • Cần tránh để bản thân tiếp xúc với virus là cách tốt nhất để phòng tránh dịch bệnh.
  • Tránh đi lại tới các vùng có dịch nếu không cần thiết.
  • Thực hiện thói quen phòng bệnh hàng ngày để tránh lây bệnh cho mình và người khác: rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn; sát khuẩn đồ đạc và bề mặt tiếp xúc trong nhà; che miệng bằng khăn hoặc cánh tay (không dùng bàn tay) khi ho hoặc hắt hơi; v.v.
  • Khi thấy dấu hiệu khó chịu như ho, sốt, khó thở, tức ngực, cần liên hệ cơ sở y tế gần nhất.

Nguồn tham khảo:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

10 + twelve =