Bài viết này đề cập đến các nguyên nhân thông thường gây nên mụn trứng cá. Một số trường hợp đặc biệt như mỹ phẩm hay bệnh lý nội tiết sẽ được xem xét ở các nghiên cứu khác.
Những nguyên nhân gây ra mụn trứng cá
Có 3 tác nhân gây mụn trứng cá. Đó là:
- da dầu (bã nhờn hoạt động mạnh)
- lỗ chân lông bị bít, tắc
- vi khuẩn P.acnes.
Cả 3 yếu tố này xuất hiện đồng thời mới phát sinh ra mụn. Chính vì thế, chúng ta thường thấy những người có da mụn thường là những người da nhiều dầu. Hiểu được bản chất của vấn đề, chúng ta mới có thể tìm được liệu pháp điều trị.
1. Da dầu nhiều (tuyến bã nhờn hoạt động mạnh)
Dầu được tiết ra từ tuyến bã nhờn trong da, rồi theo lỗ chân lông đổ lên bề mặt da. Bình thường da của chúng ta luôn có một lớp dầu rất mỏng phủ lên trên. Lớp dầu này có tác dụng giữ ẩm cho da. Nhưng có những người tuyến bã nhờn hoạt động trên mức cần thiết, lượng dầu tiết ra quá nhiều làm da mặt bóng nhờn. Lượng dầu thừa kết hợp với tế bào chết trong lỗ chân lông kết dính lại với nhau tạo thành cục làm bít tắc lỗ chân lông. Cục bít tắc lỗ chân lông này hình thành nhân mụn, và sau này phát triển thành mụn. Dầu thừa là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây mụn trứng cá.
Như vậy để điều trị mụn trứng cá hiệu quả, đầu tiên chúng ta cần làm sạch lớp dầu thừa. Nhiều bạn cho rằng da bị mụn dễ dị ứng mỹ phẩm thì không dùng sữa rửa mặt hoặc dầu tẩy trang vì sẽ làm mụn dễ sưng lên. Đây là quan niệm sai lầm. Dầu của da cũng như các loại dầu khác, không tan trong nước. Vì thế cần dùng sữa rửa mặt dành cho da nhờn, và dùng loại dầu khác để tẩy lớp kết dính.
Hiện tại chưa có thuốc điều trị cho việc tuyến bã nhờn hoạt động quá mức bình thường. Người ta có thể điều chỉnh chế độ ăn uống và chăm sóc bên ngoài để lấy đi lớp dầu thừa.
2. Tắc, bít lỗ chân lông
Lỗ chân lông có dạng hình chữ U và ở giữa có sợi lông mọc lên. Bình thường lỗ chân lông luôn thông thoáng, dầu và các tế bào chết trong lỗ chân lông sẽ trôi ra ngoài.
Ở người bị mụn, vùng gần miệng lỗ chân lông bị hẹp lại do thành của lỗ chân lông sưng tấy và dày lên. Từ đó, lỗ chân lông bít tắc làm dầu và tế bào chết không thoát được ra ngoài. Chúng tích tụ lại trong lỗ chân lông, kết dính thành khối gọi là nhân mụn.
Vậy, để không hình thành cục bít tắc lỗ chân lông, chúng ta cần làm cho lỗ chân lông thông thoáng bằng cách tẩy da chết định kỳ, dùng các nguyên liệu như than cà tím hoạt tính, baking soda, tinh dầu cam, chanh…
3. Vi khuẩn gây mụn trứng cá P.acnes
Vi khuẩn P.acnes bình thường vẫn có trên da người. Chỉ khi có môi trường tốt, vi khuẩn này phát triển mạnh.
Khi lỗ chân lông bị bít tắc, oxy không thể vào trong lỗ chân lông, tạo môi trường thiếu oxy. Đây chính là môi trường tốt cho vi khuẩn P.acnes. Mặt khác, dầu thừa và cục nhân mụn là thức ăn ưa thích của P.acnes. Khi có môi trường thuận lợi và thức ăn ưa thích, chúng phát triển và tăng mạnh về mặt số lượng. Chúng phân hủy dần và tạo ra các chất gây viêm da, từ đó hình thành mụn mủ, mụn bọc.
Như vậy, ta cần rõ khác biệt cơ bản giữa mụn đầu đen, mụn cám với mụn mủ, mụn bọc. Đó là trong mụn mủ, mụn bọc có nhiều P.acnes hơn. Còn trong mụn đầu đen, mụn cám, số lượng vi khuẩn đó ít hơn.
Chính vì thế, khi điều trị mụn bọc, mụn mủ, bác sĩ thường kê đơn kem bôi kèm kháng sinh diệt khuẩn.
Tài liệu tham khảo: