Công bố mỹ phẩm là gì?
Công bố mỹ phẩm (CBMP), hay công bố lưu hành mỹ phẩm là việc cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền xin cấp số công bố cho sản phẩm mỹ phẩm trước khi lưu thông trên thị trường. Theo Điều 3 Thông tư 06/2011/TT-BYT, mỹ phẩm chỉ được phép lưu thông khi có phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Những sản phẩm nào cần công bố mỹ phẩm?
Những chế phẩm kết hợp từ một hoặc nhiều chất dùng tiếp xúc bên ngoài cơ thể nhằm mục đích làm sạch, tạo hương, bảo vệ, chăm sóc và nuôi dưỡng các bộ phận bên ngoài cơ thể con người, đều được xếp vào sản phẩm mỹ phẩm và cần CBMP trước khi lưu hành trên thị trường. Các sản phẩm cần CBMP có:
- Kem dưỡng da, phấn trang điểm
- Xà phòng, nước hoa, nước thơm, tinh dầu
- Mặt nạ, chất phủ màu
- Sản phẩm dùng gội đầu, tắm
- Sản phẩm tẩy lông chân, lông tay, lông nách…
- Sản phẩm chống mùi, khử mùi
- Sản phẩm tẩy, nhuộm, uốn, duỗi, giữ nếp, cung cấp dinh dưỡng, chăm sóc tóc
- Sản phẩm cạo râu
- Sản phẩm dùng cho môi
- Sản phẩm vệ sinh, chăm sóc răng miệng
- Sản phẩm vệ sinh, chăm sóc, làm đẹp móng tay, móng chân
- Sản phẩm vệ sinh bên ngoài cơ thể
- Và một số loại mỹ phẩm khác
Công bố mỹ phẩm là quá trình không đơn giản
Hồ sơ xin cấp số CBMP
Để được cấp số CBMP, cá nhân, tổ chức cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ sau:
- Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm (theo mẫu trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Cổng thông tin một cửa quốc gia)
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân đưa sản phẩm ra thị trường (có chữ ký và đóng dấu của doanh nghiệp)
- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hợp lệ giấy ủy quyền của nhà sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm ủy quyền cho tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường được phân phối sản phẩm mỹ phẩm tại Việt Nam (nếu đơn vị đứng tên công bố không phải là nhà sản xuất)
- Giấy chứng nhận lưu hành tự do CFS (áp dụng đối với mỹ phẩm nhập khẩu)
Nội dung phiếu công bố mỹ phẩm
Trên phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm còn cần các nội dung cụ thể như sau:
- Phần dành cho cơ quan quản lý: ngày nhận, số công bố (khi được chấp nhận).
- Thông tin sản phẩm: Tên nhãn hàng và tên sản phẩm, Dạng sản phẩm, Mục đích sử dụng, Dạng trình bày
- Thông tin về nhà sản xuất/đóng gói: Tên nhà sản xuất, Tên công ty đóng gói
- Thông tin về tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường
- Thông tin về người đại diện theo pháp luật của công ty
- Danh sách thành phần đầy đủ: danh pháp quốc tế, tỉ lệ % của những chất có giới hạn nồng độ
- Cam kết
Đơn vị tiếp nhận hồ sơ CBMP nhập khẩu là Cục Quản lý dược – Bộ Y tế. Đối với mỹ phẩm sản xuất trong nước Sở Y tế nơi đặt nhà máy sản xuất. (Ví dụ tinh dầu Lam Hà có cơ sở sản xuất ở Hà Nội. Đơn vị cấp số CBMP là Sở Y tế Hà Nội).
Mỗi bước trong toàn bộ quy trình CBMP đều có những ý nghĩa, tầm quan trọng khác nhau. Nhưng trong đó, việc chuẩn bị hồ sơ, tài liệu giữ một vị trí đặc biệt quan trọng. Chỉ cần một sai sót nhỏ trong việc kê khai thông tin hay thiếu tài liệu, cơ quan nhà nước sẽ có quyền từ chối cấp phiếu CBMP cho doanh nghiệp.
Phiếu CBMP có giá trị 5 năm. Sau 5 năm, doanh nghiệp cần tiếp tục xin cấp phiếu công bố mới nếu muốn tiếp tục lưu hành sản phẩm trên thị trường.
Vì sao công bố sản phẩm mỹ phẩm lại quan trọng?
Ở công ty CP kỹ nghệ Lam Hà, đối tác lâu năm của Aroma, mỗi sản phẩm trước khi bắt đầu bán ra thị trường đều phải có giấy công bố lưu hành mỹ phẩm. Hầu hết đại lý, cộng tác viên của Aroma đều được gửi kèm cuốn CBMP và chất lượng tinh dầu và được yêu cầu nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi bán hàng.
Theo so sánh của chị Thu Lành Nguyễn, founder Bambi – Làm đẹp Homemade, với mỹ phẩm sản xuất trong nước, giấy CBMP giống như một tờ giấy khai sinh. Với mỹ phẩm nhập khẩu, giấy CBMP giống như visa nhập cảnh. Mỹ phẩm nội mà không có CBMP thì giống như đứa con “đẻ chui”. Mỹ phẩm ngoại mà không có CBMP thì giống như người tị nạn vượt biên hay “xuất khẩu lao động chui”.
Tác dụng của cuốn công bố mỹ phẩm
- Là định hướng cho việc kiểm soát chất lượng khi sản xuất
- Là cơ sở pháp lý để khi khách hàng phát hiện sản phẩm không đúng tiêu chuẩn công bố thì khách hàng có quyền khiếu nại và yêu cầu bồi thường.
- Là cơ sở để các cơ quan chức năng đi kiểm tra định kỳ
- Là cơ sở để các nước trong khối ASEAN mua tinh dầu Lam Hà căn cứ đăng ký – Theo Hiệp định về hệ thống hòa hợp ASEAN trong quản lý Mỹ Phẩm. Trong hiệp định này nêu rõ tiêu chuẩn nhà máy khi được phê chuẩn công bố.
- Là cơ sở để các dược sĩ chế biến các loại chế phẩm khác
Giấy CBMP khác chứng nhận kiểm định sản phẩm như thế nào?
Rất đơn giản để có một chứng nhận kiểm định sản phẩm. Bạn chỉ cần gửi một mẫu sản phẩm đến đơn vị kiểm định là có được một kết quả kiểm định. Phiếu kết quả kiểm định sản phẩm chỉ có giá trị với 1 mẫu gửi tới xét nghiệm. Nó không chứng minh cho chất lượng toàn bộ sản phẩm mà bạn sản xuất.
Giấy công bố lưu hành mỹ phẩm thì phức tạp hơn. Nó đòi hỏi rất nhiều loại giấy tờ, liên quan đến cả nhà sản xuất, đóng gói, phân phối. Nó có hiệu lực đối với loạt sản phẩm được công bố lưu hành trên thị trường. Nhà sản xuất/phân phối có trách nhiệm trước pháp luật đối với những gì đã công bố.
Công bố mỹ phẩm – chưa đủ nhưng cần
Lưu ý rằng, CBMP chủ yếu chứng minh tính hợp pháp của sản phẩm kinh doanh trên thị trường. Mỹ phẩm có giấy công bố chưa chắc đã “tốt” hay “an toàn” hơn một mỹ phẩm handmade “bán chui”. Nhưng với sản phẩm đã qua CBMP, quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo công bằng hơn rất nhiều.
Để hiểu thêm về CBMP, có thể tham khảo Thông tư 06/2011/TT-BYT về quản lý mỹ phẩm.
Muốn tìm hiểu về CBMP các sản phẩm Aroma Garden phân phối, hãy trao đổi trong nhóm Aroma Garden và khách hàng. Hoặc liên hệ điểm bán hàng Aroma nơi gần nhất.